Báo cáo chuyên đề tháng 04/2009

  Ngày 28 tháng 04 năm 2009, Viện Sức khỏe Tâm thần đã tổ chức báo cáo chuyên đề tháng 4/2009, báo cáo viên là Tiến sỹ Đinh Đăng Hòe với chủ đề: “Sự phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần và một số trắc nghiệm đánh giá trí tuệ trẻ em”.
  Tại buổi báo cáo TS. Đinh Đăng Hòe đã cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của con người, bao gồm: yếu tố di truyền, bẩm sinh, các yếu tố trong thời kỳ chu sinh, và yếu tố môi trường. Theo đó yếu tố kích thích của môi trường văn hóa xã hội có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển trí tuệ của con người. Cũng theo ý kiến của TS. Hòe, tỷ lệ chậm phát triển tâm thần (CPTTT) ở Việt Nam qua các nghiên cứu là khoảng 1% dân số, thấp hơn so với nước ngoài (1-3%); mức độ  CPTTT nhẹ trong các điều tra chỉ chiếm 40-50% số trẻ CPTTT, trong khi theo tài liệu nước ngoài là 80%, điều này có thể là do trong quá trình điều tra chúng ta đã bỏ sót các trường hợp CPTTT mức độ nhẹ.
  Hiện nay tại Viện Sức khỏe Tâm thần đang sử dụng một số trắc nghiệm như trắc nghiệm Khuôn hình tiếp diễn Raven màu, trắc nghiệm trí tuệ đa dạng Gille, hay trắc nghiệm vẽ hình người Goodenough để đánh giá  các mức độ CPTTT ở trẻ em.
  Theo Tiến sỹ Đinh Đăng Hòe, CPTTT là một trạng thái bệnh rất khó điều trị, là gánh nặng cho gia đình và xã hội, do vậy vấn đề phòng bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giảm tỷ lệ trẻ mắc CPTTT. Có thể phòng tránh hoặc giảm nguy cơ trẻ bị CPTTT bằng cách săn sóc sức khỏe tốt cho các bà mẹ khi mang thai, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế trong các lĩnh vực sản phụ khoa, nhi khoa và y tế nói chung. Bên cạnh đó cũng cần có các chương trình giáo dục truyền thông, nâng cao kiến thức của cộng đồng về CPTTT để phát hiện sớm, can thiệp tích cực và kịp thời cho các trẻ CPTTT. Thành lập và mở rộng các trung tâm giáo dục đặc biệt dành cho trẻ CPTTT; tránh được thái độ kì thị, định kiến và phân biệt đối xử đối với trẻ bị CPTTT./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *