Tới tham dự hội nghị có gần 500 đại biểu là các cơ quan hữu quan của Bộ Y tế; đại diện Tổ chức Sức khỏe gia đình (FHI); các Giám đốc, Trưởng phòng KHTH và các bác sỹ điều trị tại các Bệnh viện Tâm thần, Chi cục Phòng chống TNXH, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Giáo dục LĐXH các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Huế trở ra.
Hội nghị đã diễn ra sôi nổi và đi sâu vào hai nội dung:
· Cập nhật các kiến thức về điều trị nghiện ma túy dạng thuốc phiện.
· Trao đổi kinh nghiệm điều trị nghiện ma túy tại Việt Nam.
Tại Hội nghị PGS.TS. Trần Hữu Bình – Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần đã phát biểu các số liệu thu thập được cho thấy số người nghiện ma túy ở Việt Nam là 170.000 người (Bộ LĐTB&XH, 1975), chủ yếu ở vùng đô thị phía Nam; năm 1980, do quản lý chặt chẽ, nền kinh tế phát triển theo hướng kế hoạch hóa tập trung, số người nghiện ma túy giảm còn 30.000 – 40.000 người; đến năm 1994, do kinh tế thị trường phát triển kéo theo sự phát triển những vấn đề xã hội, trong đó có ma túy, số người nghiện tăng lên 55.445 người.Theo thống kê của Chính phủ đến cuối năm 2007 có tới 178.000 người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Dự báo sau năm 2010, người chết do nghiện ma túy lên tới con số 10.000 mỗi năm. Độ tuổi lần đầu sử dụng ma túy liên tục giảm, tỷ lệ học sinh sinh viên sử dụng ngày càng tăng. Độ tuổi trung bình sử dụng ma túy là 23. Hầu hết đều bắt đầu bằng hút, 57% sau đó chuyển sang chích (WHO, 2002). Mặc dù hiện nay có nhiều hình thức để nhằm làm giảm những tác động tiêu cực của việc sử dụng các CDTP đối với xã hội và cá nhân như các phương pháp dược lý trong điều trị cắt cơn nghiện, chống tái nghiện. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn bởi chỉ mới tập trung vào việc giải quyết trạng thái lệ thuộc về cơ thể. Tỷ lệ tái nghiện trên 90%, thậm chí có nơi 100% (UBPC AIDS & ma túy Quốc gia, 2002).