Liệu pháp tâm kịch (Psychodrama Therapy)

Liệu pháp tâm kịch là gì?


Tâm kịch là phương pháp trị liệu tâm lý do Jacob L. Moreno xây dựng vào những năm 1920 trong đó thông qua việc diễn kịch những mâu thuẫn, tâm tư bị dồn nén được bộc lộ và giải tỏa.

Liệu pháp tâm kịch thường được sử dụng theo nhóm, mỗi thành viên trong nhóm cũng là chủ thể trị liệu cho các thành viên khác trong nhóm.

Trong tâm thần học, liệu pháp tâm kịch có thể được sử dụng trong hỗ trợ điều trị rối loạn cảm xúc, ám sợ, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ăn uống, lạm dụng nghiện chất…

Các thành phần cơ bản của LPTK gồm:

–         Nhân vật chính (Protagonist) – người hay những người được chọn để đại diện cho chủ đề của nhóm.

–         Nhân vật phụ (Auxiliary egos) – các thành viên trong nhóm đóng vai phụ khác trong vở kịch.

–         Khán giả (Audience) – các thành viên trong nhóm chứng kiến vở kịch và đại diện cho thế giới rộng lớn bên ngoài.

–         Sân khấu (Stage) – nơi diễn ra vở kịch (phòng trị liệu).

–         Đạo diễn (Director) – NTL hướng dẫn những người tham gia qua mỗi giai đoạn của buổi trị liệu.

psycho_drama_by_dholl.jpg
Các giai đoạn của buổi trị liệu tâm kịch

—  Một buổi trị liệu tâm kịch thường kéo dài từ 90-120 phút, gồm ba giai đoạn:

–         Giai đoạn 1: Khởi động (Warm-up)Xác định chủ đề của nhóm và lựa chọn nhân vật chính.

–         Giai đoạn 2: Diễn (Action)Vấn đề được chuyển vào trong kịch và nhân vật chính khám phá ra những cách thức mới trong việc giải quyết vấn đề.

–         Giai đoạn 3: Chia sẻ (Sharing)Các thành viên trong nhóm được mời bộc lộ những suy nghĩ, cảm tưởng của mình về vai diễn của nhân vật chính.


Một số kỹ thuật của liệu pháp tâm kịch

—  Đóng thế (Doubling)Một thành viên trong nhóm thay thế vai diễn của nhân vật chính, đứng sau nhân vật chính và nói lên những điều nhân vật chính có thể muốn nói hoặc không muốn nói (giấu giếm) – cá nhân có thể nghe được những điều phản ánh cái họ cảm thấy hoặc suy nghĩ.

—  Đảo vai (Role reversal)Nhân vật chính được yêu cầu đổi vai với người khác (nhân vật phụ) trong buổi trị liệu – cá nhân có thể trải nghiệm các khía cạnh khác nhau của tình huống và chứng kiến được hành vi phản ứng của người khác.

—  Soi gương (Mirror)Nhân vật phụ diễn hành vi của nhân vật chính, nhân vật chính đóng vai trò làm người quan sát – nhân vật chính bị ức chế, cần có một người khác diễn lại cách ứng xử của nhân vật chính, từ đó gây ra các phản ứng của cá nhân.

—  Độc thoại (Soliloquy)Nhân vật chính vừa đi đi lại lại và diễn xuất vừa một mình nói lên cảm nghĩ của mình.

—  Chiếc ghế trống (The empty chair)Nhân vật chính nói với chiếc ghế những điều muốn nói trong lòng, chiếc ghế tượng trưng cho người, sự việc…đang khiến nhân vật chính bị ức chế.

CN. ĐẶNG THANH TÙNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *