Tự sát là một vấn đề lớn đáng được quan tâm của toàn xã hội. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người chết vì tự sát, tức là cứ mỗi 40 giây có 1 người chết bởi tự sát. Đặc biệt đây là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở lứa tuổi 15 – 29, thứ 3 ở lứa tuổi 10 – 14, 79% những ca tự sát xảy ra ở những nước nghèo và kém phát triển (WHO, 2016). Tại Việt Nam 60% số người tự sát ở độ tuổi 19 – 40 với tỉ lệ nam: nữ là 3:1, 50 – 65% trong số đó có dấu hiệu trầm cảm, lo âu (WHO, 2014). Nhưng số liệu trên thực tế có thể còn cao gấp đôi hoặc gấp ba số liệu được công bố do số liệu nguyên nhân tử vong chưa được thống kê đầy đủ và lo sợ sự kì thị của xã hội. Điều này cản trở những cá nhân có nguy cơ tự sát và sống sót sau tự sát tìm đến điều trị bởi chuyên gia tâm thần và trị liệu tâm lý phù hợp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phòng tự sát là của tất cả mọi người tại cộng đồng hay những người sống xung quanh cá nhân có nguy cơ tự sát chính là nhân tố quan trọng nhất trong việc can thiệp và phòng chống tự sát (Aldric và Cerel, 2009).
Tự sát thường không có sự phân biệt về giới tính, tuổi tác và văn hóa vùng miền. Các hành vi tự sát thường phức tạp và không có nguyên nhân đặc biệt rõ ràng. Thực tế có rất nhiều yếu tố khác nhau đóng vai trò nguyên nhân kích hoạt hành vi tự sát. Nhưng phần lớn những người có nguy cơ tự sát có những dấu hiệu và nguy cơ được liệt kê dưới đây:
- Nói về việc mong muốn được chết hoặc muốn tự sát.
- Nói về cảm xúc trống rỗng, tuyệt vọng, mất đi sự thích thú với xung quanh hoặc không có lý do để sống.
- Có kế hoạch hoặc tìm cách để chết như tìm kiếm thông tin trên mạng, mua dự trữ thuốc ngủ, thuốc trừ sâu.
- Mất ngủ/ ngủ quá nhiều.
- Dễ bị kích thích.
- Có tiền sử về tự sát (bản thân hoặc gia đình).
- Có tiền sử về rối loạn tâm thần (bản thân hoặc gia đình), như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách ranh giới.
- Có sự biến đổi về hành vi, cảm xúc một cách đột ngột như vui lên/ bình thản một cách khác lạ, hoặc lấy đồ vật yêu quý của mình đem đi tặng cho người khác, viết thư từ biệt, dặn dò hậu sự, đọc các thông tin liên quan đến cái chết…
- Có sự lạm dụng các chất kích thích: rượu, ma túy…
- Vừa được chẩn đoán mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo.
- Có những sang chấn tinh thần như mất người thân, lạm dụng tình dục, mất việc, chia tay người yêu…
- Độc thân hoặc có ít các mối quan hệ xã hội.
- Chứng kiến hành vi tự sát của người khác như thành viên gia đình, bạn thân, ngôi sao nổi tiếng.
Không phải bất cứ ai có những dấu hiệu ở trên đều có ý tưởng tự sát mà điều quan trọng cần chú ý: tự sát chính là một phản ứng không bình thường của cơ thể đối với stress. Ý tưởng tự sát hay hành vi tự sát là dấu hiệu của những căng thẳng đỉnh điểm mà bất cứ một dấu hiệu cảnh báo nào cũng đều cần được quan tâm sát sao và không thể thờ ơ.
Thông thường gia đình và bạn bè là những người đầu tiên nhận ra được dấu hiệu cảnh báo của người có ý tưởng tự sát và họ có thể chính là những người đầu tiên giúp đỡ, tìm kiếm những chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần để chẩn đoán và điều trị cho những người có nguy cơ tự sát.
Nếu bạn thấy những dấu hiệu cảnh báo ở trên đúng với người thân của mình, hãy tìm cách giúp đỡ càng sớm càng tốt đặc biệt nếu hành vi vừa mới xuất hiện hoặc có dấu hiệu nặng dần lên. Hãy tìm đến những chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nơi gần nhất để được trợ giúp một cách chuyên nghiệp và an toàn. Hãy gọi đến số điện thoại khẩn cấp của Viện Sức khỏe Tâm Thần 0984 104 115 để được tư vấn và hỗ trợ.
Điều trị và các liệu pháp
Nghiên cứu đã chỉ ra rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới tự sát và những yếu tố thay đổi theo tuổi, giới, tình trạng sức khỏe, tâm thần và trải nghiệm của mỗi cá nhân. Điều trị và liệu pháp cho những cá nhân có ý tưởng và hành vi tự sát vì thế cũng thay đổi tùy từng đối tượng. Viện Sức khỏe Tâm thần đã tập trung nghiên cứu và điều trị khá thành công đối với những cá nhân có ý tưởng và hành vi tự sát liên quan tới các bệnh lý rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu.
Tâm lý liệu pháp
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp người bệnh tìm ra phương pháp mới để đương đầu với những căng thẳng. CBT cũng giúp cá nhân nhận ra được nhịp suy nghĩ của mình và xem xét các hành động thay thế khi ý tưởng tự sát tăng lên.
Một liệu pháp phổ biến trên thế giới là liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) đã làm giảm tỉ lệ tự sát ở những người rối loạn nhân cách ranh giới. Nhà trị liệu sử dụng DBT giúp người bệnh nhận ra được cảm giác và hành động của họ là không bình thường và kém lành mạnh, rồi dạy họ các kĩ năng cần thiết để xử lý tốt hơn những tình huống căng thẳng.
Điều trị bằng thuốc
Rất nhiều người có nguy cơ tự sát có đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Bác sĩ chuyên ngành tâm thần sẽ khám và điều trị cho người bệnh loại thuốc với liều lượng phù hợp nhất để giúp người bệnh vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và duy trì chất lượng cuộc sống một cách tốt nhất.
Nếu được bác sĩ điều trị, bạn hãy chắc chắn rằng:
– Nói chuyện với bác sĩ để hiểu về lợi ích và tác dụng phụ của thuốc bạn đang dùng.
– Không được tự ý dừng thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đột ngột dừng thuốc có thể dẫn tới hiện tượng phản ứng thuốc hoặc tái lại các triệu chứng nặng nề hơn trước đó.
– Thông báo tới bác sĩ điều trị nếu có các tác dụng phụ của thuốc như cứng hàm, chảy nước dãi, run cơ, buồn nôn, đau đầu…. Khi đó bác sĩ sẽ thay đổi liều hoặc loại thuốc khác cho bạn.