PHÒNG CHỐNG TỰ SÁT – BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Hãy nghĩ xem bạn có thể làm gì khi gặp một người có ý tưởng tự sát?

  1. Tự sát là một thông điệp cho biết:
  • Tôi rất đau khổ!
  • Tôi bất lực!
  • Tôi không biết phải làm thế nào!
  • Tôi cần được sự giúp đỡ!
  1. Người tự sát thật sự không muốn chết, họ chỉ muốn chấm dứt những đau khổ mà bản thân đang phải chịu đựng.
  2. Tự sát tuyệt đối sẽ không phải là sự lựa chọn tốt nhất nếu chúng ta sẵn lòng đứng lên từ những thất bại, để tìm kiếm hi vọng và sự giúp đỡ.
  3. Nếu gia đình, tình yêu, sự nghiệp hay các sự việc gì đó làm cho bạn đau đớn đến mức không muốn sống nữa thì bạn nên tạm thời vứt bỏ những thứ đó đi chứ không phải chính tính mạng của mình!

5 bước hành động để giúp đỡ một người đang trong khủng hoảng về cảm xúc

  1. Hỏi: “Có phải bạn đang nghĩ về việc kết thúc cuộc sống này phải không?” Đây thực sự không phải là một câu hỏi dễ dàng nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hỏi trực tiếp những người đang có nguy cơ tự sát không làm tăng ý tưởng và hành vi tự sát.
  2. Giúp an toàn: Giảm cách tiếp cận vật dụng gây sát thương hoặc địa điểm có nguy cơ cao là phần quan trọng trong phòng chống tự sát. Thật không dễ dàng gì nhưng việc thuyết phục người có nguy cơ tự sát từ bỏ vũ khí sẽ làm một thay đổi lớn đối với cuộc sống của họ. Nhẹ nhàng truyền thông điệp tới đối phương, tự sát có nghĩa là dùng phương pháp không thể cứu vãn được để giải quyết vấn đề chỉ mang tính tạm thời.
  3. Hãy ở đó: Lắng nghe thật cẩn thận để hiểu những gì họ đang nghĩ và cảm nhận. Đừng ngại phải bàn luận hay nói trực tiếp với người đó về tự sát, ngược lại phải giúp người đó hiểu rằng đang có người sẵn lòng lắng nghe câu chuyện của họ để giúp họ thấy được tia hi vọng. Tuyệt đối không khiêu khích, chọc tức, thách thức người đang có ý nghĩ tự sát vì có thể dẫn tới hậu quả nguy hại đến tính mạng. Không nên dùng những lời nói: “Thử nghĩ xem, tình trạng của bạn còn tốt hơn người nào đó, bạn phải biết quý trọng hạnh phúc mà mình đang có…” – đây thật sự chỉ là những lời nói làm cho người có khuynh hướng tự sát càng mặc cảm tội lỗi và cảm giác không có giá trị, không biết dựa vào ai.
  4. Giúp kết nối: Nếu thấy việc giúp đỡ vượt quá khả năng của mình hãy gọi ngay người giúp đỡ trong khi bạn luôn phải ở bên cạnh người có ý tưởng tự sát. Hãy lưu số điện thoại khẩn cấp của Viện Sức khỏe Tâm Thần 0984 104 115 để được tư vấn và hỗ trợ khi cần thiết. Bạn cũng có thể giúp họ kết nối với những người đáng tin tưởng như thành viên gia đình, bạn bè, người thầy tín ngưỡng (sư thầy, cha cố) hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần. Hãy đưa người có ý tưởng tự sát tới ngay bệnh viện chuyên khoa tâm thần gần nhất để họ được điều trị và tư vấn tâm lý.
  5. Giữ liên lạc: Hãy giữ liên lạc sau khi khủng hoảng xảy ra hoặc sau khi cá nhân có ý tưởng tự sát sẽ làm nên một điều khác biệt lớn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng số những ca tự sát giảm khi những người có nguy cơ tự sát được tiếp tục theo dõi và chú ý tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *