Tác dụng không mong muốn trên lâm sàng của Amisulpride ở giai đoạn cấp của bệnh Tâm thần phân liệt

I.       ĐẶT VẤN ĐỀ

Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (2000) tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt là 1% dân số; theo Trần Viết Nghị ở Việt Nam tỷ lệ này là 0,3 – 1%. 

Các nhà tâm thần học trên thế giới đều thống nhất rằng các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt được chia thành hai loại: các triệu chứng âm tính và các triệu chứng dương tính. Các thuốc an thần kinh cổ điển điều trị tốt các triệu chứng dương tính nhưng không cải thiện được các triệu chứng âm tính và có nhiều tác dụng không mong muốn như các triệu chứng ngoại tháp, rối loạn nội tiết, tăng cân…

Amisulpride là một thuốc an thần kinh không điển hình, mà theo nhiều nghiên cứu trên thế giới thì thuốc điều trị được cả triệu chứng dương tính và triệu chứng âm tính, và đây cũng là một an thần kinh được khuyến cáo có ít tác dụng không mong muốn so với các an thần kinh cổ điển và cả các an thần kinh mới như risperidon và olanzapin. Đây là một thuốc đã được nghiên cứu và áp dụng khá phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu nào về tác dụng không mong muốn của thuốc. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm mục tiêu: Phát hiện và mô tả một số tác dụng không mong muốn trên lâm sàng của amisulpride.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu37 bệnh nhân (BN) được điều trị bằng amisulpride tại Viện Sức khỏe Tâm thần từ tháng 03/2006 đến 12/2006 được chẩn đoán xác định là giai đoạn cấp của tâm thần phân liệt (TTPL) theo DSM-IV, Patrick McGorry và John McGrath [1], [11]; tuổi từ 18 đến 65. Loại ra khỏi nghiên cứu các phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; BN bị u tủy thượng thận; u lệ thuộc prolactin; suy thận; đang dùng levodopa.

2. Phương pháp nghiên cứu:

2.1. Thiết kế nghiên cứu: thử nghiệm lâm sàng mở, tiến cứu nhằm mô tả và đánh giá lâm sàng trong quá trình điều trị. Đánh giá bằng thang đánh giá chung về lâm sàng (CGI), tại các thời điểm T1, T2, T3 và Tc

2.2.  Amisulpride được cho bằng đường uống, dưới dạng viên nén: tên thương mại là Solianâ hàm lượng 200mg hoặc 400mg. Thuốc được chỉ định liều theo giới hạn an toàn tối đa không quá 1200mg/ ngày [6]. Cách cho uống: cho BN uống thuốc trước mặt nhân viên y tế hoặc dưới sự giám sát của người nhà BN.

2.3. Các chỉ số và phương pháp thu thập số liệu: thu thập trước và sau can thiệp

Khám lâm sàng và trắc nghiệm do nghiên cứu viên trực tiếp tiến hành. Các xét nghiệm do các phòng chức năng của bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

–  Trước nghiên cứu (thời điểm đánh giá đầu tiên: T0): Các BN được khám lâm sàng, chỉ định các xét nghiệm.

–  Sau khi dùng amisulpride

o   Thực hiện thang CGI [4], phần đánh giá chỉ số hiệu quả (phần 3) vào các thời điểm đánh giá để đánh giá hiệu quả điều trị và tác dụng không mong muốn (TDKMM) của thuốc, có xét đến sự tương quan giữa hiệu quả điều trị và TDKMM.

o   Với BN điều trị nội trú, chúng tôi tiến hành khám lâm sàng hàng ngày để theo dõi các TDKMM (ngày xuất hiện, cách xử trí): tăng cân, hội chứng giống Parkinson, trạng thái bồn chồn bất an, loạn trương lực cơ cấp… Với BN ngoại trú, chúng tôi kiểm tra vào các thời điểm đánh giá.

Các thời điểm đánh giá: T1 (đánh giá lần 2, vào ngày thứ 7 của liệu trình), T2 (đánh giá lần 3, ngày 14), T3 (đánh giá lần 4, ngày 28) và Tc (đánh giá lần cuối, khi BN ra viện sau ngày 28; hoặc ngày 56 ở những BN điều trị ngoại trú, các BN điều trị nội trú ra viện mà nghiên cứu viên vẫn tiếp tục theo dõi được )

3. Các thông số được thu thập và xử lý bằng chương trình SPSS 13.0, test T- student, kiểm định tỷ lệ.

III. KẾT QUẢ

Trong 37 bệnh nhân (BN) nghiên cứu, có 32 BN nam và 5 BN nữ. Tuổi trung bình là 25,3; độ tuổi hay gặp nhất là 18 – 29 tuổi chiếm 83,8%.


Biểu đồ 1: Thuyên giảm sau điều trị

 

Theo biểu đồ 1, số BN thuyên giảm hoàn toàn (TGHT) chiếm đa số: 64,9%. Có 4 BN không thuyên giảm, chiếm 10,8%.

Biểu đồ 2: Rối loạn vận động do amisulpride

Theo biểu đồ trênBN có hội chứng giống Parkinson do thuốc chiếm 18,9%. Có 1 BN có trạng thái bồn chồn bất an (2,7%).

Bảng 1: Các TDKMM khác do amisulpride

ü  Có 29/31 BN tăng cân sau điều trị (93,6%). 1 BN không tăng cân và 1 BN giảm cân. 2 BN có mức độ tăng cân cao nhất là tăng 7 kg

ü  Ngoài rối loạn vận động và tăng cân ta không thấy có TDKMM nào khác do amisulpride trong nhóm nghiên cứu.


Biểu đồ 3:Mức độ tăng cân theo thời gian

Cân nặng của BN tăng dần theo thời gian. Ở thời điểm bắt đầu nghiên cứu (T0), cân nặng của BN là 53,6 ± 6,3 kg; ở thời điểm kết thúc nghiên cứu (Tc) 56,4 ± 6,5 kg. Vậy là sau điều trị các BN đã tăng trung bình 2,8 kg. Các chỉ số về cân nặng ở các thời điểm T0, T1, T2, T3 và Tc đều khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,001.


Biểu đồ 4: Sự thay đổi điểm theo CGI(phần đánh giá chỉ số hiệu quả)

Điểm trung bình giảm dần theo thời gian điều trị. Từ 7,0 ± 2,6 ở T1 (sau 1 tuần điều trị) giảm xuống còn 1,5 ± 1,4 ở thời điểm kết thúc nghiên cứu (Tc). Tính từ T1 đến Tc điểm đã giảm trung bình 5,5 điểm.   

IV. BÀN LUẬN

v   Sự thuyên giảm chung: biểu đồ 1 cho thấy có 24 BN thuyên giảm hoàn toàn, chiếm 64,9%; 24,3% BN chỉ thuyên giảm một phần và 10,8% BN nghiên cứu không thuyên giảm. Kết quả này phù hợp với các tác giả Peuskens J. [7] và Moller HJ. [9].  

v   Các rối loạn vận động do amisulpride

– Hội chứng giống Parkinson (biểu đồ 2): có 7/37 Bn có hội chứng giống Parkinson do thuốc chiếm 18,9%. Kết quả này cũng phù hợp với Kate McKeage và cs [6] cho rằng hội chứng giống Parkinson do thuốc là một TDKMM thường gặp do amisulpride. Nghiên cứu của Peuskens J. [9] khi sử dụng amisulpride điều trị TTPL giai đoạn cấp (liều amisulpride là 800mg/ngày trong 8 tuần) tỷ lệ này là 30%. Hiemke C. và cs [3] khi nghiên cứu trên 378 BN TTPL điều trị amisulpride với liều từ 100 – 550mg thì tỷ lệ rối loạn vận động do amisulpride là 14,6%.

Các BN có hội chứng giống Parkinson do thuốc đang được sử dụng liều amisulpride từ 400 – 800mg (có 2 BN dùng liều 400mg; 600mg có 2 BN; và 3 BN dùng liều 800mg).

7 trường hợp có hội chứng giống Parkinson do thuốc đều xảy ra trong 72 ngày đầu, sớm nhất là ngày thứ hai và muộn nhất là ngày thứ 63. Kết quả này cũng phù hợp với DSM- IV [2], [11] là có 90% các trường hợp hội chứng giống Parkinson do thuốc xảy ra trong 72 ngày đầu. BN bị hội chứng giống Parkinson do thuốc vào ngày thứ 63 là một trường hợp đặc biệt, vào ngày thứ 16 của liệu trình điều trị BN đã có hội chứng giống Parkinson do amisulpride (khi đang dùng liều amisulpride 400mg/ngày) và được xử trí thêm thuốc kháng cholinergic trong 3 ngày (cụ thể: Apotrihex 4mg/ngày/3 ngày) và không giảm liều amisulpride. Sau đó 5 ngày, đã khỏi hội chứng giống Parkinson nhưng BN ngủ kém, sợ mọi người  xung quanh hại nên được bác sỹ điều trị tăng liều nên 500mg/ngày BN được điều trị duy trì ở nhà BN thuyên giảm tốt: hết các triệu chứng dương tính, thấu hiệu được bệnh và tự uống thuốc. Gia đình không đưa BN đi khám lại mà tự điều trị liều amisulpride như trên đến ngày thứ 63 BN bị viêm họng (sốt, đau họng, ho), BN xuất hiện tình trạng: run chân tay, đi lại khó khăn, ăn uống khó, nét mặt đờ đẫn, khám có dấu hiệu bánh xe răng cưa BN được xử trí ngừng amisulpride, dùng thêm thuốc kháng cholinergic và Seduxen 10mg/ngày sau 5 ngày hết hội chứng giống Parkinson do amisulpride.  

Trong 7 BN này có 2 BN sau khi có hội chứng giống Parkinson do thuốc vẫn được các bác sỹ điều trị tiếp tục duy trì liều amisulpride; 2 BN được giảm liều amisulpride và có 3 BN phải dừng thuốc do TDKMM lớn hơn tác dụng điều trị.

– Trạng thái bồn chồn bất an: trong nghiên cứu có 1 BN có trạng thái bồn chồn bất an, chiếm 2,7%. TDKMM này xuất hiện vào ngày điều trị thứ 3 (liều amisulpride: 400mg/ngày), BN được xử trí Seduxen 10mg/ngày và vẫn tiếp tục duy trì liều amisulpride.

v  Các tác dụng không mong muốn khác do amisulpride

Qua bảng 1 ta thấy, ngoài rối loạn vận động amisulpride còn gây tăng cân. Có 29/31 BN tăng cân trong nghiên cứu (93,6%), mức độ tăng được biểu thị trên biểu đồ 3: ở thời điểm bắt đầu nghiên cứu (T0), cân nặng của BN là 53,6 ± 6,3 kg; sau 1 tuần (T1) 53,8 ± 6,4 kg; ở thời điểm kết thúc nghiên cứu (Tc) là 56,4 ± 6,5 kg. Các chỉ số về cân nặng ở các thời điểm T0, T1, T2, T3 và Tc đều khác biệt có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 99%. Sau 8 tuần điều trị các BN tăng trung bình 2,8 kg. Kết quả này lớn hơn kết quả nghiên cứu của tác giả Mortimer A. và cs [8] là có 20,6% BN tăng cân và tăng trung bình 1,6 kg; Vanelle J. M., Douki S. [10] nghiên cứu trên 35 BN TTPL sau 2 tháng có tỷ lệ tăng cân 0,5 kg. Có sự khác biệt này có thể là do nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu giai đoạn cấp của TTPL, ở giai đoạn này do có nhiều hoang tưởng, ảo giác chi phối nên đa số các BN ngủ kém, ăn kém nên đã sút cân trước khi vào viện. Vào viện, sau sử dụng thuốc BN ngủ được, hoang tưởng, ảo giác đỡ nhiều nên BN ăn được và tăng cân trở lại. Nhưng để có một kết luận chắc chắn về vấn đề này chúng tôi hy vọng sẽ có một nghiên cứu với quy mô lớn hơn, số lượng BN nhiều hơn để đưa ra một kết luận chính xác.    

v  Sự thay đổi điểm theo thang CGI (phần đánh giá chỉ số hiệu quả) qua các tuần điều trị (n= 31)

Phần đánh giá chỉ số hiệu quả trong thang CGI là phần đánh giá hiệu quả điều trị và TDKMM của thuốc, có xét đến sự tương quan giữa hiệu quả điều trị và TDKMM. Kết quả điểm phần này trong nghiên cứu của chúng tôi (biểu đồ 4) cho thấy quá trình điều trị bằng amisulpride đã có hiệu quả rõ rệt trên các BN TTPL giai đoạn cấp biểu hiện bằng sự giảm điểm theo thời gian: từ thời điểm đánh giá đầu tiên (T1) đến thời điểm kết thúc nghiên cứu (Tc) đã giảm được 5,5 điểm và khi so sánh số điểm giữa các tuần đều có sự khác biệt với p< 0,001. Kết quả này cũng phù hợp với các tác giả Herrera- Estrella M. [5].

V. KẾT LUẬN

–   Có 7 BN (18,9%) có hội chứng giống Parkinson do khi đang sử dụng liều amisulpride 400- 800mg, 7 trường hợp này đều xảy ra trong 72 ngày đầu, sớm nhất là ngày thứ 2 và muộn nhất là ngày 63 sau dùng thuốc. Trong 7 BN này có 3 BN phải ngừng điều trị.

–   Có 1 BN có trạng thái bồn chồn bất an (2,7%) xuất hiện ở ngày điều trị thứ 3 với liều amisulpride 400mg/ngày

    Có 93,6% (29/31) BN tăng cân với mức tăng trung bình sau 8 tuần điều trị là 2,8kg. 2 BN có mức tăng cân cao nhất là tăng 7kg/ 8 tuần.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Sidney Bloch, Bruce S. Singh và cs (2001). “Tâm thần phân liệt và các rối loạn có liên quan”, Cơ sở của lâm sàng tâm thần học, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội; 295-316.

2.       Nguyễn Kim Việt (2003). “Các rối loạn vận động do thuốc”, Bài giảng Sau đại học, Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội; 154-166.

3.       Bergemenn N. et al (2004). “Plasma amisulpride levels in schizophrenia or schizoaffective disorder”, European Neuropsychopharmacology, 14; 245-250.

4.       Guy W. Ecdeu (1976). Assessment manual for Psychopharmacology, National Institude of Mental Health (Early Clinical Drug Evaluation Unit).

5.       Herrera-Estrella M. et al (2005). “The effects of amisulpride on five dimensions of psychopathology in patients with schizophrenia: a prospective open- label study”, BMC Psychiatry; 5: 22-30.

6.       Kate McKeage, Greg L. Plosker (2004).  “Amisulpride, A review of its in the Management of Schizophrenia”, CNS Drugs 204; 18 (13): 933-956, ISSN: 1172-7047.

7.       Miller L. J. (1996). “Qualitative changes in hallucinations”, Am- J- psychiatry, Washington; 256-267.

8.       Mortimer A., Martin S., Loo H., Peuskens J. (2004). “A double-blind, randomied comparative trial of Amisulpride versus olanzapine for  6 month in the treatment of schizophreniaInt Clin Psychopharmacol; 19: 63-69.

9.                Peuskens J., Bech P. et al(1999). “Amisulpride vs. risperidone in the treatment of acute exacerbations of schizophrenia”, Psychiatry Research; 88: 107-117.

10.   Vanelle J. M., Douki S. (2004). “Metabolic control in patients with comorbid schizophrenia and depression treated with amisulpride or olanzapine”, Eur. Neuropsychopharmac, 14 (Suppl. 3); S 284.

11.   American psychiatric association (1994). Midi DSM – IV, Critères diagnostiques, Traduction francaise par Guelfi J.D. et al., Masson, Paris, 1996; 147-160.

THS. LÊ THỊ THU HÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *