Nguy cơ tuyệt đối của bệnh đái tháo đường thai kỳ dao động từ 4,2% đến 12,0% ở những phụ nữ tiếp tục dùng thuốc an thần kinh trong 140 ngày đầu tiên của thai kỳ và từ 3,8% đến 4,7% trong số những người ngừng sử dụng.
Những phụ nữ tiếp tục sử dụng an thần kinh olanzapine và quetiapine trong thai kỳ có tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, theo một nghiên cứu trong AJP in Advance được đưa ra tại Hội nghị Thường niên APA. Nguy cơ có thể liên quan đến các tác dụng phụ chuyển hóa được biết là có liên quan đến hai loại thuốc này. Theo báo cáo của tác giả M.S.Krista F. Huybrechts- một trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard và một nhà dịch tễ học trong Khoa Dịch tễ học và Dược phẩm tại Brigham and Women’s Hospital: “Trong một nhóm lớn những phụ nữ không có bệnh tiểu đường từ trước được điều trị bằng thuốc an thần kinh trước khi mang thai, chúng tôi quan sát thấy nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ ở những phụ nữ tiếp tục sử dụng olanzapine hoặc quetiapine trong 20 tuần đầu của thai kỳ so với những phụ nữ ngừng điều trị. Có một mối tương quan thuận giữa liều olanzapine và tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.”
Những phụ nữ mang thai không mắc đái tháo đường đã sinh được trẻ sơ sinh sống và được ghi vào Medicaid (2000-2010) và đã nhận được một hoặc nhiều thuốc chống loạn thần trong ba tháng trước khi mang thai cũng được đưa vào phân tích. Trong số 1.543.334 phụ nữ có thai, các bà mẹ mang thai được điều trị với các thuốc an thần kinh sau: aripiprazole (1.924), olanzapine (1.425), quetiapine (4.533), risperidone (1.824), hoặc ziprasidone (673). Những người có từ 2 đơn thuốc trở lên trong 140 ngày đầu tiên của thai kỳ với cùng một loại thuốc an thần kinh mà họ nhận được trước khi mang thai được phân loại là “tiếp tục”. Những người không có đơn thuốc cho thuốc an thần kinh trong 140 ngày đầu tiên mang thai được phân loại là “không tiếp tục”.
Nguy cơ tuyệt đối cho bệnh tiểu đường thai kỳ dao động từ 4,2% đến 12,0% trong số người tiếp tục và từ 3,8% đến 4,7% trong số những người không tiếp xúc. Sau khi điều chỉnh nhiễu, người ta thấy có một nguy cơ cao đối với bệnh tiểu đường thai kỳ khi dùng olanzapine và quetiapine. Hơn nữa, có bằng chứng về mối quan hệ tích lũy đáp ứng liều với olanzapine. Những phát hiện này phù hợp với các báo cáo trước đó rằng olanzapine làm tăng cân nhiều nhất trong số năm loại thuốc nghiên cứu (aripiprazole, olanzapine, quetiapine, risperidone và ziprasidone), đây có thể là cơ chế làm tăng nguy cơ ở những phụ nữ tiếp tục điều trị thuốc.
Sử dụng thuốc tác động tâm thần trong khi mang thai là một chủ đề gây nhiều tranh cãi và đang tiếp tục được nghiên cứu; những rủi ro – đối với mẹ và con –do các tác dụng phụ của thuốc và tái phát bệnh cần được cân bằng với lợi ích của việc điều trị. “Cần có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu tác dụng tiềm tàng của việc chuyển đổi các thuốc an thần kinh trong thai kỳ với việc tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ”, Huybrechts và các đồng nghiệp đã viết. “Thông tin như vậy sẽ hỗ trợ các quyết điều trị ở những người không thể ngừng thuốc điều trị được. Tóm lại, khi cân nhắc để đưa ra quyết định điều trị, sự tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ là một cân nhắc quan trọng trong việc lựa chọn một loại thuốc cụ thể, ngoài ra người ta cũng cần xem xét các khía cạnh khác của điều trị thuốc an thần kinh, bao gồm lợi ích của việc tiếp tục điều trị thuốc cụ thể và nguy cơ mất hiệu lực do thay đổi trong điều trị. ”
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia.