Tính dễ kích thích trong thời thơ ấu có thể dẫn đến tăng nguy cơ tự sát ở tuổi trưởng thành

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 28/3/2018  trên tờ JAMA Psychiatry, trẻ em có biểu hiện mức độ nặng của các triệu chứng trầm cảm/lo lắng và tính dễ kích thích dường như có nguy cơ tự tử cao hơn trong thời kỳ trưởng thành.

Tiến sĩ Massimiliano Orri, Đại học McGill và các đồng nghiệp đã nhận xét: “Tính dễ kích thích ở trẻ em nên được xem xét khi đánh giá nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên, đặc biệt trong số những người có các triệu chứng trầm cảm / lo âu nặng”.

Để đánh giá mối liên hệ giữa tính dễ kích thích và cảm xúc trầm cảm/ lo âu ở trẻ em với tự sát ở trẻ vị thành niên, Orri và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu từ Nghiên cứu dọc của Québec về sự phát triển của trẻ (QLSCD). Nghiên cứu bao gồm những trẻ em sinh ra ở Québec năm 1997 và 1998 được đánh giá hàng năm trong suốt thời thơ ấu và định kỳ 6 tháng một lần trong suốt thời kỳ vị thành niên đến 17 tuổi.

Số liệu QLSCD bao gồm các đánh giá của giáo viên trong trường về trầm cảm/ lo âu và khó chịu ở trẻ 6, 7, 8, 10, và 12 tuổi. Các giáo viên được yêu cầu đánh giá trẻ về nhiều triệu chứng của trạng thái trầm cảm/ lo âu (bao gồm cả khóc và lo lắng) và khó chịu (bao gồm cơn cáu gắt và phản ứng dữ dội khi bị trêu chọc hoặc bị lấy đồ). Ở lứa tuổi 13, 15 và 17, người trẻ được hỏi về việc liệu họ có từng nghĩ đến việc cố tự sát hay không, và nếu có, họ đã làm bao nhiêu lần.

Trong số 1.430 trẻ em được theo dõi đến 17 tuổi, 172 (12.0%) thanh thiếu niên thừa nhận có ý nghĩ tự sát hoặc toan tự sát, 90 (6.3%) thừa nhận có ý tưởng tự sát nghiêm trọng và 82 (5.7%) báo cáo là đã có toan tự sát.

Những trẻ em được xếp loại có mức độ dễ bị kích thích và trầm cảm/ lo âu cao được ghi nhận là có tỷ lệ tự sát cao (25/152, tương đương 16,4%) khi đến tuổi vị thành niên so với những trẻ có mức triệu chứng nhẹ nhất (91/831, hay 11,0%). Trẻ em có tính dễ kích thích và trầm cảm/ lo âu cao có tỷ lệ từng có ý tưởng tự sát và/ hoặc toan tự sát nghiêm trọng cao gấp đôi trong thời kỳ thanh thiếu niên so với những người có tính cáu kỉnh thấp và mức độ trầm cảm hoặc lo âu thấp. Những trẻ em gái được phân loại là có tính cáu gắt cao và mức trầm cảm/ lo âu cao có nguy cơ tự sát cao hơn (tỷ suất chênh, 3.07) so với trẻ em trai (tỷ suất chênh, 2.13).

Orri và các đồng nghiệp đã nhận xét: “Các biểu hiện cáu kỉnh trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ đáng kể đối với các hành vi tự sát trong thời kỳ thanh thiếu niên. Nguy cơ này đặc biệt cao khi mức độ của tính dễ kích thích cao kèm với trầm cảm/ lo âu nặng, đặc biệt đối với trẻ em gái.”

Để biết thêm thông tin liên quan đến tự sát, xin xem bài báo về Tâm thần học “Sự bốc đồng có thể là yếu tố đóng góp mạnh mẽ cho tự sát ở trẻ em.”

Người dịch: BSNT Đỗ Thị Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *