TRẦM CẢM VÀ COVID – 19

Trầm cảm là rối loạn cảm xúc phổ biến, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người mắc. Tỷ lệ trầm cảm tăng cao hơn trong thời kì COVID – 19. Vậy có mối liên hệ nào giữa COVID – 19 và trầm cảm không? Các nguyên nhân gây ra trầm cảm ở bệnh nhân sau nhiễm COVID – 19. Khi nào bạn cần đi khám và sàng lọc trầm cảm sau nhiễm COVID – 19? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
  1. CÓ MỐI LIÊN HỆ NÀO GIỮA COVID – 19 VÀ TRẦM CẢM KHÔNG?

Trầm cảm là trạng thái ức chế các mặt hoạt động tâm thần bao gồm tư duy, cảm xúc, và hoạt động dẫn đến bệnh nhân thường có khí sắc trầm, mất mọi quan tâm thích thú, giảm năng lượng dẫn đến tăng sự mệt mỏi (thậm chí mệt mỏi rõ rệt sau một cố gắng nhỏ) và giảm hoạt động.

Mặc dù các triệu chứng COVID-19 ban đầu của bạn đã biến mất, nhưng bạn vẫn có thể không cảm thấy hoàn toàn bình thường. Bạn có thể phải đối mặt với những cơn đau đầu liên tục, mệt mỏi, căng thẳng hoặc cảm giác sợ hãi chung chung khiến bạn khó hoàn thành công việc hàng ngày. Trong khi các chuyên gia vẫn cần nghiên cứu tác động lâu dài của COVID-19 lên não, hơn một nửa số người sống sót trong nghiên cứu về COVID-19 của Hoa Kỳ đã báo cáo các triệu chứng trầm cảm vài tháng sau khi hồi phục, những người có các triệu chứng COVID nghiêm trọng hơn có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn.

  • NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRẦM CẢM SAU NHIỄM COVID – 19

Các chuyên gia tin rằng nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn theo hai cách chính:

  • Phản ứng miễn dịch của cơ thể bạn chống lại chính vi rút
  • Tâm lý căng thẳng khi nhiễm COVID -19

Khi bạn bị nhiễm vi-rút gây ra COVID -19, hệ thống miễn dịch của bạn sản xuất cytokine, chemokine và những chất khác thúc đẩy quá trình viêm. Các chuyên gia đã tìm thấy một loại cytokine cụ thể, được gọi là cytokine tiết ra từ tế bào T-helper-2, ở những người bị COVID -19. Mức độ cao hơn của các cytokine này dường như liên quan đến một trường hợp vi rút nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia phát hiện ra rằng nếu cơ thể bạn không kiểm soát đúng cách các cytokine này, một số điều tồi tệ nhất định có thể xảy ra: viêm dây thần kinh, sự gián đoạn hàng rào máu não, sự xâm nhập của tế bào miễn dịch ngoại vi vào hệ thống thần kinh trung ương, suy giảm khả năng dẫn truyền thần kinh, rối loạn chức năng trục hạ đồi-tuyến yên (HPA), kích hoạt microglia và cảm ứng indoleamine 2,3-dioxygenase (IDO). Tất cả những điều này có thể là nguyên nhân gốc rễ của các rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm. Điều này cho thấy tác động thực sự của vi-rút COVID-19 có thể dẫn đến trầm cảm, ngay cả sau khi một người bình phục khỏi vi-rút.

  • KHI NÀO BẠN CẦN ĐI KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM?

Trong khi và cả sau khi mắc COVID -19, nếu bạn có các biểu hiện sau, cần đi khám và điều trị để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tâm thần:

  • Khó tập trung, ghi nhớ chi tiết
  • Khó đưa ra quyết định
  • Mệt mỏi
  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng và bất lực
  • Bi quan và tuyệt vọng
  • Mất ngủ, thức dậy sớm hoặc ngủ quá nhiều
  • Khó chịu hoặc cáu kỉnh
  • Bồn chồn, bất an
  • Mất hứng thú với những thứ từng thú vị, bao gồm cả tình dục
  • Ăn quá nhiều hoặc chán ăn
  • Đau nhức, nhức đầu hoặc chuột rút không biến mất
  • Các vấn đề tiêu hóa không thuyên giảm, ngay cả khi điều trị với thuốc dạ dày, thuốc nhuận tràng,.
  • Cảm giác buồn dai dẳng, lo lắng hoặc “trống rỗng”
  • Suy nghĩ tự tử hoặc cố gắng tự sát

Đặc biệt các triệu chứng nên khi xuất hiện có xu hướng nặng lên, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập và làm việc của bạn thì bạn nên và cần đi khám tại cơ sở chuyên khoa tâm thần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *