Từ lâu chúng ta đã biết chứng chán ăn tâm thần có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh tâm thần: cứ 1 trong 5 người chán ăn tâm thần chết vì những nguyên nhân liên quan đến bệnh này. Tuy nhiên, điều mà chỉ đến nay mọi người mới nhận ra là phần lớn cái chết này là vì tự tử chứ không phải vì chết đói. Những người mắc chứng chán ăn tâm thần có thể tự sát gấp 50-60 lần so với quần thể dân số chung. Không nhóm nào có tỷ lệ tự sát cao như nhóm này (Archives of General Psychiatry, vol 60, p.179).
Cách đây một thế kỷ, cả nhà xã hội học Emile Durkheim và nhà phân tâm học Sigmund Freud đều đưa ra những giải thích chung chung. Durkheim coi ngọn nguồn của tự sát là ở các yếu tố xã hội, như là thất bại trong việc hòa nhập với xã hội, trong khi Freud giải thích là do các xung năng bản năng, đặc biệt là cái mà ông gọi là bản năng chết. Những giải thích gần đây có xu hướng tập trung vào các yếu tố như trầm cảm, tuyệt vọng và nỗi đau về cảm xúc, nhưng không có cái nào giải thích thỏa đáng cho câu hỏi gốc về tự tử: tại sao trong cùng một hoàn cảnh lại có người tự sát, có người thì không làm như vậy?
Nhà tâm lý học Matthew Nock thuộc trường Đại học Harvard – người chuyên nghiên cứu về tự sát và tự làm hại bản thân nói có một số đã đạt được qua các số liệu về tự sát. Chẳng hạn như, các nhà nghiên cứu đã biết được rằng tỷ lệ tự sát đang gia tăng và hiện nay chiếm 1,5% tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở những người trong nhóm tuổi 15 – 24, sau tai nạn giao thông. Tỷ lệ mưu toan tự sát ở nữ giới nhiều hơn nam giới, nhưng tỷ lệ tự sát thành công ở nam giới lại cao hơn.
Hầu hết những người tự sát đều có 1 rối loạn tâm thần – thường gặp nhất là chán ăn tâm thần, rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn lưỡng cực, TTPL và rối loạn nhân cách ranh giới, nhưng nguy cơ tự sát cao cũng là một phần trong nhiều các rối loạn khác. Những người tự sát cũng thường cảm thấy trầm cảm nặng và tuyệt vọng.
Cái mà các số liệu thống kê không nói lên – và là điều mà các nhà tâm lý muốn biết nhất – là chính xác những người nào thuộc nhóm nguy cơ cao. Đa số những người trầm cảm, tuyệt vọng không tự sát, như tại sao lại có một số người làm vậy?
Vào năm 2005, nhà tâm lý học Thomas Joiner – chuyên gia nghiên cứu về tự sát ở trường Đại học bang Florida đã trả lời cho câu hỏi này. Bằng việc nghiên cứu các số liệu thống kê tự sát và chú ý đặc biệt tới các nhóm có tỷ lệ cao trên trung bình, Joiner tin rằng ông đã tìm ra câu trả lời mà các nhà nghiên cứu khác đã bỏ qua. Matthew Nock đánh giá: “Đây là một thuyết xuất sắc đầu tiên về tự sát”.
Về bản chất, Joiner cho rằng những người tự sát phải đáp ứng cả hai điều kiện hàng đầu là có cảm thấy trầm cảm và tuyệt vọng. Thứ nhất, họ phải có ước muốn muốn chết mãnh liệt. Điều này thường xảy ra khi người ta cảm thấy mình đang là gánh nặng không thể chịu đựng nổi đối với những người xung quanh, đồng thời cũng cảm thấy bị cách ly khỏi những người thân.
Thứ hai, và quan trọng nhất là, người tự sát thành công phải có khả năng thực hiện hành động. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng chỉ có Joiner mới là người đầu tiên chỉ ra nó, chưa có nhà nghiên cứu nào cố tìm hiểu xem tại sao một số người lại tự sát thành công trong khi một số khác thì lại không. Joiner nói: bất kể bạn muốn chết đến mức độ nào thì đó không phải là việc dễ làm. Bản năng sinh tồn quá mạnh trong mỗi người.
Joiner cho rằng có hai cách những người muốn chết tiến tới gạt bản năng sinh tồn sang một bên. Một là bằng cách tiến dần đến cái chết. Trong nhiều trường hợp mưu toan tự sát đầu tiên chỉ là không dứt khoát, với những vết cắt không sâu hay dùng thuốc hơi quá liều một chút. Chỉ sau nhiều lần mưu toan tự sát thì các hành động đó mới gây tử vong. Trong số 20 lần mưu toan tự sát thì có 1 lần thành công.
Cách thứ hai là quen với những trải nghiệm rùng rợn hoặc đau đớn. Những người lính và cảnh sát đã từng bắn hoặc từng chứng kiến đồng đội của mình bị thương hay bị giết được cho là quen với ý nghĩ về cái chết của chính họ. Cả hai nhóm này đều có tỉ lệ tự tử cao hơn thông thường. Tương tự, bác sỹ và bác sỹ giải phẫu – những người chứng kiến sự đau đớn, chấn thương và cái chết – có thể nghĩ nhiều về cái chết hơn, tỷ lệ tự tử ở bác sỹ là cao hơn đáng kể so với quần thể dân số chung. Joiner miêu tả điều này là “sự chai dạn” khi phải đối mặt với những thứ đe dọa đến tính mạng mỗi người.
Một nhóm khác bộc lộ sự chai dạn là những người mắc chứng chán ăn tâm thần. Joiner đã đề cập đến tỷ lệ tự sát ngày càng tăng của nhóm người này trong cuốn “Tại sao người ta lại chết bằng cách tự sát” – (NXB Đại học Havard, 2005), nhưng mãi đến sau này ông mới hiểu rõ được tầm quan trọng của mối liên quan này.
Sự thật bắt đầu hé mở vào năm 2006, trong một buổi seminar với hai NCS của Joiner là Jill Holm-Denoma và Tracy Witte về nguy cơ tự sát ở những người mắc chứng chán ăn tâm thần. Witte thấy rằng tỷ lệ tự sát cao có hai khả năng giải thích. Có lẽ những người chán ăn tâm thần cũng không có mưu toan tự sát nhiều hơn những người mắc các chứng rối loạn tâm thần khác, nhưng người chán ăn tâm thần do quá yếu về thể chất nên các mưu toan tự sát của họ có mức độ thành công cao hơn. Thứ hai, có lẽ những người chán ăn tâm thần quá quen với đau đớn nên họ có khả năng thực hiện hành động tự sát hơn những người khác.
Theo giả thuyết của Joiner, cách giải thích thứ hai dường như là đúng. Vì vậy Holm-Denoma tiến hành thử nghiệm giả thiết. Cô kiểm tra 9 trường hợp tự tử được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, và đã đưa ra được bức tranh rõ ràng hơn.
Holm nói: “Những người chán ăn tâm thần sẽ chết bất kể cân nặng của họ như thế nào. Chúng ta chỉ ngạc nhiên về cách thức thực hiện để đảm bảo tự sát thành công”. 3 người đã nhảy vào đoàn tàu đang chạy. 2 người treo cổ. 2 người uống thuốc quá liều. 1 người tự đầu độc bằng thuốc ngủ và nước rửa bồn cầu. Và 1 người tự làm ngạt thở bằng cách giam mình trong phòng sau đó xì hơi ga. Tất nhiên, 9 trường hợp không đủ để minh chứng cho điều gì, nhưng thực tế là việc dùng các biện pháp quyết liệt để tự sát cũng nói lên điều gì đó (Tạp chí Các rối loạn cảm xúc, vol 107, p231).
Holm-Denoma nói: chán ăn tâm thần là một “sự quy tụ hoàn hảo” của các yếu tố ủng hộ cho giả thuyết của Joiner. Sự cô lập về mặt xã hội có thể xảy ra vì những người chán ăn tâm thần thường tránh bất kỳ các mối tương tác nào có thể liên quan đến thức ăn – có nghĩa là không đi ăn ngoài, không đi xem phim (bỏng ngô có thể gây thèm) và không đến nhà bạn bè. Kết quả là “các mối quan hệ bị thu rút” mà Joiner miêu tả đóng vai trò yếu tố chủ chốt trong tự sát.
Tiếp đó là cảm giác bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình và bạn bè. Ví dụ, một cách tiếp cận thông thường để điều trị chứng chán ăn tâm thần ở trẻ em là bố mẹ phải trông nom trẻ trong quá trình điều trị.
Điều quan trọng nhất là chán ăn tâm thần đồng nghĩa với việc quen với nỗi đau. Chế độ nhịn ăn khắc nghiệt dẫn đến những đau đớn vì đói và đau đầu ghê gớm. Thường thấy là chứng loãng xương, dẫn đến dễ bị gãy xương hơn, chưa kể đến chứng đau ngực vì tim bị tổn thương.
Matthew Nock nói: một trong những điểm mạnh ở các lời giải thích của Joiner là nó có thể kiểm chứng được như cách Witte đã nói. Chẳng hạn như, có thể xây dựng các trắc nghiệm tâm lý để đánh giá mức độ người ta cảm thấy mình gánh nặng như thế nào, các mối quan hệ bị thu rút bao nhiêu, và sau đó dùng các chỉ số này để dự báo khả năng tự sát. Và cũng có thể kiểm tra được tỷ lệ tự sát trong các nhóm khác nhau với các đặc trưng mà Joiner đưa ra.
Các trắc nghiệm này đang dần được hình thành. Trong nghiên cứu gần đây của một số học viên của Joiner cho thấy những người cảm thấy mình là gánh nặng và cũng trải nghiệm mối quan hệ bị thu rút thì có nhiều các ý tưởng tự sát hơn (Tạp chí Tư vấn và Tâm lý lâm sàng, vol 76, p 72). Một nghiên cứu thứ hai đã phát hiện ra rằng “các sự kiện gây kích thích và đau đớn”, như là bắn súng hoặc tham gia vào một cuộc chiến, có xu hướng tăng cái mà Joiner gọi là “khả năng dung nạp” – trắc nghiệm đánh giá khả năng một người có thể tự làm mình bị thương hoặc tự sát.
Cùng lúc đó, nhà tâm thần học Scott Crow ở trường Đại học Minnesota đã nghiên cứu về tỷ lệ tự sát ở những người mắc chứng ăn vô độ và thấy rằng họ cũng tự sát với tỷ lệ cao hơn nhiều so với quần thể dân số chung. Crow thấy tỷ lệ tự sát ở nhóm này tăng gấp 4 đến 6 lần. Chứng ăn vô độ ở mức độ nào đó cũng gây khổ sở cho cơ thể qua các chỉ số về sinh hóa, vì vậy những người ăn vô độ cũng quen với những đau đớn theo cách tương tự như những người chán ăn tâm thần. Mặc dù bằng chứng đều ủng hộ cùng một hướng, nhưng Joiner vẫn nói rằng cần có thêm nhiều thử nghiệm hơn nữa trước khi những ý tưởng của ông có thể được chấp nhận như là một lời giải thích chung về tự sát. Ông nói: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta cần những nghiên cứu mang tính hệ thống hơn nữa”.
Cuối cùng, ông nói: việc hiểu rõ ràng hơn lí do tại sao người ta lại tự sát sẽ giúp cho các nhà lâm sàng đánh giá được tốt hơn những ai thuộc nhóm nguy cơ cao, và tìm ra đã các giải pháp mới trong việc ngăn ngừa tự sát. Chẳng hạn như trị liệu tâm lý kéo dài có thể giúp xóa đi sự không sợ chết ở cá nhân và làm giảm khả năng họ sẽ tự sát.
Nhưng chừng nào mà con người còn cảm thấy mình chai dạn với nỗi đau, chừng nào họ còn cảm thấy mình bị cô lập và là gánh nặng đối với người khác, thì thuyết của Joiner cũng cho thấy rằng tự sát sẽ luôn đồng hành với chúng ta.
(theoNewScientist.com)
Đặng Thanh Tùng