XỬ TRÍ
LOẠN TRƯƠNG LỰC CƠ CẤP DO AN THẦN KINH
I. KHÁI NIỆM:
Loạn trương lực cơ cấp là động tác bất thường hoặc cơn co cứng của các cơ vùng đầu, cổ, các chi hoặc thân mình, xuất hiện trong vòng vài ngày sau bắt đầu dùng hoặc sau khi tăng liều thuốc an thần kinh.
II. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN:
Theo DSM-IV:
– Một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu xuất hiện liên quan đến việc dùng thuốc an thần kinh: tư thế bất thường của đầu, cổ so với cơ thể, xoắn vặn các cơ cổ, ưỡn cổ ra sau…có thể sai khớp; co thắt các cơ hàm: cứng hàm, há hốc miệng, nhăn nhó…; khó nuốt, khó nói, khó thở (do co thắt các cơ hầu họng)…có thể gây ngạt thở; nói ngọng, nói cứng lưỡi (do cứng lưỡi hoặc to lưỡi), loạn vận ngôn; lưỡi thập thò hoặc rối loạn chức năng lưỡi; mắt bị kéo xếch lên trên, xuống dưới hay về một bên, có khi có hiện tượng đảo lộn nhãn cầu; tư thế bất thường của các chi, ngọn chi hoặc thân mình.
– Các dấu hiệu trên xuất hiện vài ngày (trong vòng 7 ngày) sau khi bắt đầu, hoặc tăng nhanh liều thuốc an thần kinh, hoặc khi giảm liều các thuốc dùng để dự phòng các triệu chứng ngoại tháp.
– Các dấu hiệu trên không do các rối loạn tâm thần gây ra như căng trương lực trong tâm thần phân liệt.
– Các dấu hiệu trên không do các thuốc không phải là an thần kinh gây ra, không phải một bệnh thần kinh hoặc nội khoa khác gây ra (các triệu chứng xuất hiện trước khi dùng an thần kinh, có các dấu hiệu thần kinh khu trú không giải thích được).
III. XỬ TRÍ LOẠN TRƯƠNG LỰC CƠ CẤP:
3.1. Xử trí:
– Tiêm bắp các thuốc kháng Cholinergic: Biperiden 5mg hoặc Procyclidine 5mg; thuốc kháng Histamine như Promethazine 50mg, thường có hiệu quả sau 20 phút, có thể tiêm 2- 3 lần cách nhau 30 phút. Nếu bệnh nhân có cơn xoay mắt mà không đáp ứng điều trị với kháng Cholinergic thì có thể dùng Clonazepam 0,5-4 mg.
– Sau khi tình trạng tăng trương lực cơ được hồi phục thì việc điều trị bằng kháng Cholinergic vẫn nên được tiếp tục dùng cùng với các thuốc ATK từ 4-7 ngày.
– Ngoài ra, có thể tiêm tĩnh mạch những thuốc kháng Cholinergic (Benztropine) hoặc Diphenhydramine HCl khi thực sự cần thiết trong những trường hợp loạn trương lực cơ cấp đe dọa đến tính mạng (ngạt thở). Chọn lựa các thuốc kháng Cholinergics sau:
Benztropine 2mg liều trung bình 1-3 mg /ngày |
Biperiden 2mg, 4 mg, liều trung bình 3 mg /ngày |
Ethopropazine 50mg, liều trung bình 50-100 mg /ngày |
Orphenadine citrate 50mg, 100mg, liều trung bình 50-100 mg /ngày |
Procyclidine 5mg, liều trung bình 5 mg /ngày |
Trihexylphenidyl 2mg, 5mg, liều trung bình 2-5 mg /ngày |
– Ngoài ra, còn thể dùng nhóm thuốc bình thản để điều trị trạng thái loạn trương lực cơ cấp.
3.2. Điều trị dự phòng:
– Kéo dài vòng 7 ngày, sau đó giảm liều từ từ để tránh xuất hiện lại hội chứng loạn trương lực cơ cấp khi ngừng đột ngột.
– Những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc kháng Cholinergic thì có thể thay thế bằng Amantadine 10mg, dùng 1-3 lần/ ngày.
– Đối với những bệnh nhân nguy cơ cao, đặc biệt là những bệnh nhân nam trẻ đang sử dụng ATK liều cao, cần dùng thuốc kháng Cholinergic để dự phòng. Tuy nhiên, cần theo dõi các tác dụng phụ của chúng như khô miệng, nhìn mờ, bí đái và có thể tăng tác dụng kháng Cholin của một số ATK như Thioridazine.